Cưới Hỏi là một trong những nét đẹp văn hóa của dân ta đã có từ xa xưa, với những phong tục mang nét đặc trưng của mỗi vùng miền. Nhưng dù là Cưới Hỏi ở miền nào, mâm quả trầu cau luôn là vật phẩm không thể thiếu trong các mâm sính lễ. Tuy nhiên chúng ta đã thật sự biết rõ về nó? Phu Thê xin gởi đến độc giả bài viết mâm quả trầu cau trong Ngày Cưới và những điều cần biết ngay sau đây.
Nguồn gốc mâm quả trầu cau trong Ngày Cưới bắt nguồn từ câu truyện cổ tích
Không biết tự bao giờ, thưởng thức trầu cau đã trở thành thú vui của dân ta. Trầu cau xuất hiện trong cuộc sống thường nhật, trong ca dao, câu hát: Trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta. Nguồn gốc của tục ăn trầu còn được dân gian kể lại rằng: Từ rất lâu trước, tại một ngôi làng nọ có hai anh em trai nhà họ Cao, người anh có tên gọi là Tân, còn người em thì tên Lang (Tân Lang ghép lại có nghĩa là cây cau), cả hai đều rất mực thương yêu nhau. Đến một ngày, cha mẹ của hai người qua đời, hai anh em đến ở trọ và học tại nhà một ông thầy họ Lưu. Ông thầy quan sát thấy Tân và Lang vừa học giỏi, tính tình hiền lành, ngoan ngoãn thì thầy yêu quí như con cháu trong nhà. Thầy có cô con gái là Xuân Phù (có nghĩa là trầu không vào mùa Xuân), cô gái đã đến tuổi cập kê cũng đem lòng quyến luyến và muốn chọn người anh làm chồng. Sau khi cưới, vợ chồng Tân và Xuân Phù sống rất hạnh phúc. Đến lúc đó, tuy hai anh em nhà họ Cao vẫn ở bên nhau, nhưng từ ngày có vợ Lang nhận thấy tình cảm của anh đối với mình không còn được như xưa, mà người anh thì say duyên mới vô tình không để ý đến. Sau này lại có thêm một sự hiểu lầm nữa, một hôm làm đồng về muộn, người anh có việc về sau, còn Lang về trước, nàng Xuân Phù ra đón lúc trời nhập nhoạng tưởng chồng, liền vồn vã âu yếm. Chàng Lang vội vàng lên tiếng, khi biết là nhầm nên cả hai cùng rất ngượng. Tân về nhà hay chuyện nên để dạ nghi ngờ, tình cảm với em trai từ đó tỏ ra lạnh nhạt hơn.
Người em thấy vậy bỏ nhà ra đi, đi mãi tới khi kiệt sức gục đầu chết hóa thành cây cau. Người anh thấy em không về ngày ngày ân hận xót xa. Tân sắp xếp hành lí và đi tìm em. Anh tới bờ suối nọ, nơi người em chết than khóc và hóa thành tảng đá vôi nằm ngay cạnh thân cau. Cứ thế qua ngày, người vợ mãi mà không thấy chồng và em trở về, trong lòng bồn chồn nhớ thương nên cũng đi tìm. Nàng đi mãi, khóc than cho tới kiệt sức bên cạnh tảng đá. Đến khi hồn lìa khỏi xác thì hóa thành cây trầu không leo bám lên thân đá. Người làng biết chuyện thì cảm kích vô cùng, bèn lập miếu thờ cho 3 người và thường xuyên cúng vái, viếng thăm. Câu chuyện cảm động lan truyền tới tai vua Hùng thứ tư, trong một lần du hành đi ngang qua, Ngài tình cờ phát hiện ra mùi vị thơm cay, nồng ấm khi ăn thử trầu cau tại miếu thờ và mang giống về trồng. Ngài còn xuống lệnh cho thần dân sử dụng trầu cau trong các dịp trọng đại. Tục ăn trầu của nước ta có từ đó và trở thành lễ vật không thể thiếu trong cưới hỏi.
Ý nghĩa mâm quả trầu cau trong Ngày Cưới
Chúng ta vẫn thường nghe: “Miếng trầu là đầu câu chuyện” hay “Miếng trầu ăn kết làm đôi/ Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng/ Trầu xanh, cau trắng, chay hồng/ Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên…” Trầu cau thể hiện cho sự gắn bó son sắt giữa vợ chồng, anh em, làng xóm. Do đó, mâm quả trầu cau là vật phẩm không thể thiếu trong Cưới Hỏi và còn được coi là mâm quả quan trọng bậc nhất. Một mâm trầu cau đầy ắp và mướt xanh, không chỉ thể hiện sự quý trọng mối tơ duyên của cô dâu và chú rể, mà còn thể hiện ước nguyện cho hạnh phúc son đỏ như nước trầu, mong cho cô dâu hòa thuận trong gia đình, làng xóm. Sau đám cưới, nhà trai thường chia trầu cau thành nhiều gói và phát cho hàng xóm như một lời thông báo rằng gia chủ đã có con hiền dâu thảo.
Trước đây mâm quả trầu cau thường được chuẩn bị rất kĩ lưỡng, gồm 01 buồng cau nõn và Phu Thê, với mỗi quả cau đi kèm 02 lá trầu cho có đôi có cặp. Số quả cau trong buồng cũng được chọn theo phong tục dân gian, như 105 quả biểu trưng cho 100 năm hạnh phúc hay 60 quả theo cách ví von 60 năm cuộc đời. Đối với người miền Bắc, trầu cau được têm cánh phượng, riêng lá trầu thì phải là loại trầu cay, dày và được phết vôi trắng đi kèm thuốc lào. Còn người miền Nam têm trầu theo kiểu bánh ú, với loại lá trầu ngọt (thường dùng trầu Bà Điểm, Hóc Môn) và phết vôi đỏ. Ngày nay tục lệ ăn trầu không còn phát triển nữa, do vậy mâm quả trầu cau cũng chuẩn bị đơn giản hơn để tiết kiệm chi phí. Theo đó, mâm quả trầu cau sẽ gồm 6 miếng trầu têm cùng quả cau bổ làm 6 tuy nhiên ý nghĩa của mâm trầu cau cũng sẽ bị thuyên giảm. Do vậy nếu nhà trai đủ điều kiện vẫn nên chuẩn bị mâm quả này thật kĩ lưỡng theo hướng dẫn như trên để thể hiện sự tiếp đón nồng nhiệt với con dâu mới.